Sinh ra giữa bạt ngàn tre, dừa và lớn lên trong gia đình có nghề truyền thống làm tre, anh Tân nuôi dưỡng trong tâm một tình yêu mãnh liệt với tre. Để sau này, khi đã trải qua nhiều ngành nghề khác nhau, anh quyết định quay trở về với tre làng và quyết tâm làm giàu.
Anh Võ Tấn Tân sinh ra trong gia đình có truyền thống làm tre, dừa ở Cẩm Thanh (TP.Hội An). Ảnh: T.N.
Xưởng tre Taboo Bamboo của anh nằm ở chân cầu Cửa Đại, nép mình dưới tán tre xanh mát. Nơi đây không chỉ sản xuất đồ tre, mà còn là điểm đến thu hút du khách tham quan, trải nghiệm những công đoạn làm ra sản phẩm tre, dừa.
Anh Tân tâm sự: "Xưa kia, nhà cửa ở Cẩm Thanh phần lớn là nhà tre lợp lá dừa nước, công việc làm tre, dừa diễn ra hằng ngày và trở thành nét văn hoá đặc trưng của TP.Hội An. Khi đời sống ngày càng hiện đại, các sản phẩm truyền thống không còn chỗ đứng, người trẻ không mặn mà với nghề nên làng nghề dần lụi tàn.
Từ thời ông nội tôi đã gắn bó với nghề làm tre và dừa, nhưng nghề truyền thống khi đó không đem lại tương lai mới cho người trẻ, nên gia đình mong muốn tôi học hành để đổi đời. Nhưng rồi duyên nợ và lửa đam mê lại đưa tôi trở về với luỹ tre làng, ngày đêm cặm cụi bên thân tre xù xì để cố gắng vực dậy một làng nghề đã bị lãng quên".
Tre được anh Tân mua về từ nhiều nơi và sử dụng vào từng loại sản phẩm nhất định. Ảnh: T.N.
Với sự truyền đạt kinh nghiệm và bí quyết từ cha, cộng với sự mày mò, nghiên cứu, anh Tân dần khắc phục được nhược điểm của những sản phẩm từ tre. Anh sáng tạo ra rất nhiều sản phẩm có tính ứng dụng cao, thân thiện với môi trường và có sức cạnh tranh lớn.
Tre đươc ngâm trong bùn và nước lợ khoảng 1 năm. Ảnh: T.N.
Sau đó anh vớt tre lên và phơi khô để trở thành tre nguyên liệu. Ảnh: T.N.
Anh Tân cho biết, anh chỉ mua loại tre đủ già đạt từ 4 năm tuổi trở lên, sau đó ngâm tre dưới bùn và nước lợ khoảng 1 năm. Rồi vớt tre lên và phơi khô, từ đó chế tác ra những sản phẩm tre có màu trắng sáng, bền đẹp, khả năng chống mối mọt và nấm mốc tốt hơn. Do đó, rừng dừa Cẩm Thanh là nơi lý tưởng để ngâm tre mà thiên nhiên đã ban tặng cho người dân nơi đây.
Để có đủ nguồn tre nguyên liệu, anh Tân phải đặt mua từ nhiều nơi trên cả nước. Ở mỗi vùng, tre sẽ có những đặc tính và ưu điểm riêng, phù hợp với từng loại sản phẩm nhất định.
Xưởng chế tác tre của anh Tân thu hút hàng chục lao động trẻ tại địa phương tham gia. Ảnh: T.N.
Sau nhiều năm ấp ủ, anh Tân đã cho ra đời những chiếc xe đạp làm hoàn toàn từ tre, được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước ưa chuộng. Được biết, anh mất hơn 2 tuần để hoàn thành một chiếc xe đạp tre, chủ yếu xuất bán sang thị trường quốc tế với giá trung bình 20 triệu đồng/chiếc.
Đến những tác phẩm vạn người mê
Tiếp nối thành công đó, anh Tân sáng chế ra chiếc ô tô tre chạy bằng điện, ngôi nhà tre, cá chép tre và nhiều vật dụng, đồ lưu niệm khác như: bàn, ghế, đũa, muỗng, chén, bình hoa, các con vật, đồ chơi xinh xắn, đèn….
Những chiếc xe đạp làm bằng tre của anh Tân được du khách đặt mua, với giá trung bình 20 triệu đồng/chiếc. Ảnh: T.N.
Trong đó, sản phẩm đèn ống tre đan trang trí của anh Tân đã được công nhận là sản phẩm Công nghiệp Nông thôn tiêu biểu của tỉnh Quảng Nam năm 2021. Anh mất vài tiếng đồng hồ để chế tác, tạo hoạ tiết trên ống tre. Mỗi chiếc đèn có giá từ 400.000-700.000 đồng, là mặt hàng bán rất chạy tại xưởng tre của anh nhiều năm nay.
Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, sản phẩm cá chép tre với chiều dài "khủng" từ 2-3m của anh Tân rất được khách hàng yêu thích bởi độ tinh xảo và mới lạ. Nhiều nhà hàng, khu resort, biệt thự đặt mua cá chép về trang trí để cầu mong một năm mới nhiều điều may mắn, thuận lợi và tốt đẹp.
Sản phẩm cá chép tre của anh Tân được khách hàng rất yêu thích trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão. Ảnh: T.N.
Anh Tân chia sẻ: "Chi phí đầu tư sản xuất các sản phẩm từ tre không nhiều, nhưng đổi lại nghề này đòi hỏi ở người thợ phải có tay nghề cao, biết chịu khó, kiên trì và tỉ mỉ.
Hơn nữa, người thợ thủ công truyền thống phải không ngừng tìm tòi, đổi mới, sáng tạo ra những sản phẩm mới để ứng dụng vào đời sống. Từ đó, nghề truyền thống mới phát triển đi lên, hình ảnh tre Việt sẽ được nhiều bạn bè quốc tế biết đến, văn hoá Việt trường tồn theo thời gian".
Anh Tân chế tác tre thành nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường, có tính ứng dụng cao. Ảnh: T.N.
Hiện nay, xưởng tre của anh Tân có diện tích 1.000m2, tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên với mức lương dao động từ 8-12 triệu đồng/người/tháng. Những sản phẩm từ tre theo chân du khách đi muôn nơi, trở thành những điểm nhấn văn hoá ở những không gian sang trọng và đem lại cho gia đình anh mức thu nhập hơn 400 triệu đồng mỗi năm.
Dù công việc chế tác tre yêu cầu tay nghề cao, nhưng xưởng của anh luôn thu hút nhiều lao động là thanh niên tại địa phương đến học nghề và làm việc. Bên cạnh đó, mỗi tháng anh còn đón khoảng 2.000 lượt khách đến xưởng tham quan, trải nghiệm và tự tay làm ra các đồ vật lưu niệm từ tre.
Sống hết mình với niềm đam mê và không ngừng đổi mới, phát triển, giờ đây, anh Tân đã xây dựng được cơ ngơi vững chãi dưới luỹ tre làng. Góp phần "làm sống lại" một làng nghề đã lụi tàn và giúp nhiều bạn bè quốc tế biết đến cây tre, loài cây được ví như linh hồn của làng quê Việt Nam.
Nguồn: https://danviet.vn/bien-tre-lang-thanh-tac-pham-nghe-thuat-van-nguoi-me-mot-nguoi-quang-nam-kiem-bon-tien-20230402153535669.htm
Comment